Bạn là một người kinh doanh? Chắc hẳn sẽ không tránh khỏi những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là bi quan về công việc kinh doanh hiện tại của mình bởi con đường kinh doanh chưa bao giờ là bằng phẳng và dễ dàng. Hãy đến với top 5 câu chuyện kinh doanh dưới đây, nó sẽ giúp bạn tạo động lực, đem lại những bài học về kinh doanh đáng giá giúp cho bạn bước đi vững chắc trên con đường kinh doanh mình đã chọn.
Câu chuyện số 1: Bán lược cho sư
Bán lược cho sư? Đây là một điều phi lý và bạn nghĩ sẽ chẳng bao giờ thực hiện được vì nhà sư thì làm gì có tóc. Nếu không có tóc sẽ không có nhu cầu sử dụng lược, và nếu không có nhu cầu thì sao bạn có thể bán lược được cho nhà sư? Nếu bạn đã từng nghe đến câu chuyện kinh doanh này, bạn sẽ có một cách nhìn khác về việc bán hàng hiện tại của doanh nghiệp mình. Câu chuyện như sau: Một công ty muốn tuyển người bán hàng giỏi đã trao cho mỗi người 100 cây lược và yêu cầu họ vào chùa để bán lược cho các nhà sư. Có rất nhiều người không bán được một chiếc lược nào và bỏ cuộc, tuy nhiên có 3 người bán được lược cho nhà sư.
- Người thứ nhất mang lược đến chùa, đã bị các nhà sư mắng và đuổi đi. Tuy nhiên, anh này vẫn cầu xin các nhà sư mua lược và có một nhà sư thương tình mua cho anh một chiếc lược.
- Người thứ hai đi xung quanh chùa, thấy tóc mình bị gió thổi bay liền đến gặp sư trụ trì và nói rằng: “Trên núi cao, gió thổi mạnh, các thiện nam tín nữ đến dâng hương mà tóc tai rối bù sẽ không thành kính trước cửa phật. Vì vậy, nhà chùa nên chuẩn bị một số lược để các phật tử chải tóc cho gọn gàng trước khi vào dâng hương”. Và anh đã bán được 10 chiếc lược cho nhà chùa có 10 lư hương.
- Người thứ ba anh đến một ngôi chùa lớn nhất vùng, rất nhiều người đến đây thắp hương. Anh đến gặp sư trụ trì và nói rằng: “Bạch thầy, chùa ta lớn nhất vùng, ngày nào cũng có hàng trăm phật tử đến thắp hương. Chùa ta lớn như vậy, thiết nghĩ nên có chút tặng phẩm khuyến khích người làm việc thiện. Con có mang ít lược của công ty. Thầy có thư pháp hơn người, xin hãy viết lên ba chữ: “lược tích thiện” làm tặng phẩm. Món quà thật nhiều ý nghĩa” Nhà chùa nghe xong rất hứng thú và mua cả 100 chiếc lược để làm quà.
Thông qua câu chuyện trên, có thể thấy: Người thứ nhất thuộc mẫu bán hàng cổ điển, cần cù và chịu khó. Người thứ 2 là người bán hàng có năng lực quan sát, suy đoán sự việc, dám nghĩ dám làm. Cuối cùng, người thứ ba là người biết phân tích nhu cầu và tâm lý đám đông, có ý tưởng tốt có giải pháp cụ thể nên đã mở một thị trường mới cho sản phẩm. Như vậy, tại một nơi không có yêu cầu, nếu biết quan sát, quan sát các mối quan hệ và biết sử dụng các cách kích cầu để bán hàng bạn sẽ tạo ra được một thị trường mới cho sản phẩm của bạn và mang về nguồn doanh thu lớn.
Bài học rút ra:
Bài học rút ra đối với người bán lược thứ nhất đó là trong kinh doanh, đừng bao giờ bỏ cuộc nếu bạn gặp khó khăn, sự kiên trì và theo đuổi tới cùng sẽ mang đến thành công. Đây là một trong những bài học kinh doanh đắt giá mà bạn nhất định nên bỏ túi cho mình. Qua người bán lược thứ hai có thể thấy rằng đối với mỗi vấn đề, mỗi việc xảy ra trong quá trình kinh doanh, bạn không nên nhìn thiển cận vấn đề ở một phía mà phải mở tầm nhìn sâu rộng, biết quan sát để tìm lối ra cho vấn đề gặp phải. Biết cách tìm những yếu tố tác động trực tiếp đến khách hàng để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề khó khăn. Sự thành công trong việc bán thành công sản phẩm của bạn không phải sản phẩm của bạn là gì mà đó là cách thức bán hàng của bạn như thế nào. Với người thứ ba là người đã làm tốt nhất, bán được nhiều lược cho nhà sư nhất. Qua đó bạn có thể thấy phân tích nhu cầu khách hàng và tâm lý đám đông ảnh hưởng tới khách hàng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong kinh doanh. Hãy biết tận dụng, khai thác tâm lý đám đông để hình thành nhu cầu cho khách hàng. Và quan trọng, bạn cần biết sáng tạo ý tưởng, xây dựng nhu cầu, khai thác và triển khai kế hoạch một cách tốt nhất.
Câu chuyện số 2: Đại tá Sanders - Người sáng lập gà rán KFC
Một ngày nọ đẹp trời trong một ngôi nhà nhỏ tại một con phố cũ, có một người đàn ông lớn tuổi sống chủ yếu bằng những đồng lương từ tiền trợ cấp an sinh xã hội, khi đã về hưu. Ông đang cảm thấy tuyệt vọng, không thể sống tiếp vì đồng lương ít ỏi của mình. Ông già tội nghiệp này chẳng còn gì cả, từ công việc, gia đình, đến ngay cả chiếc xe cũ kĩ của mình bên ngoài cũng bị bọn ác phá cho hư hại.
Cuối cùng ông đã quyết định tự tử, kết thúc mạng sống của mình, trước khi tự tử đại tá Sanders đã viết những dòng tự sự về cuộc đời mình, về thất bại và thành tựu của mình đã đạt được trong đời,.. Rồi bỗng nhiên trong đầu ông lóe lên một suy nghĩ, một tia sáng, đó tựa như ánh sáng cuối con đường vậy, dù rất nhỏ nhoi nhưng mang đến niềm hy vọng. Ông suy nghĩ rồi nhận ra, mình có biệt tài nấu ăn hơn hẳn người khác, vậy tại sao không sống tiếp và phát huy sở trường của mình.
Sau đó ông đã gác lại ý định tử tự và dùng số tiền ít ỏi của mình còn lại chỉ có 105 đô-la để mua nguyên liệu và bếp núc thực hiện nấu món ăn của mình và cố gắng gõ cửa từng nhà hàng để bán công thức nấu ăn của mình. Ông nói rằng mình có một công thức chế biến gà hấp dẫn. Ông sẽ cung cấp công thức miễn phí và chỉ yêu cầu một phần lợi nhuận nhỏ từ các món ăn được bán ra. Nghe có vẻ là một thỏa thuận hấp dẫn công thức sẽ dễ dàng bán đi.
Nhưng thực chất mọi chuyện lại không dễ dàng như thế, đúng là cuộc đời không như mơ. Ông ấy đã đến hơn 1000 cửa hàng và nghe từ KHÔNG hơn 1000 lần từ các chủ nhà hàng ấy. Nhưng đại tá gà rán là một người kiên định, ông vẫn tin rằng công thức gà của mình vẫn là nhất rất đặc biệt. Cuối cùng ông ấy cũng đã thành công tại lần 1010. Với sự thành công đó ông đã trở thành triệu phú giàu có và thương hiệu KFC được ra đời.
Bài học rút ra: Từ câu chuyện kinh doanh kinh điển này bài học rút ra là đừng bao giờ bỏ cuộc khi bị từ chối, hãy luôn tin tưởng bản thân tiến về phía trước và chỉ dừng lại khi đã đạt được thành công.
Câu chuyện số 3: Người ăn xin mù
Có một người đàn ông mù sống giữa một thành phố náo nhiệt, bận rộn. Người đàn ông ấy đang từng ngày kiếm sống chỉ với một dòng chữ: “Tôi bị mù, làm ơn giúp đỡ”.
Ông cũng nhận được một số sự chia sẻ, nhưng thực sự số tiền ấy quá ít, thậm chí có ngày chỉ đủ mua 1 ổ bánh mì.
Đến một ngày, có một cô gái đi ngang qua và nhìn thấy người mù già cả với chiếc cốc rỗng, cô ta quay lại. Cô lập tức viết gì đó lên mặt sau tấm bảng của ông rồi đặt tấm bảng xuống và bỏ đi. Từ đó ông nhận được nhiều tiền hơn, nhiều sự chia sẻ hơn.
Ngày hôm sau cô gái quay lại, ông già sờ vào đôi giày của cô và nhận ra. Ông hỏi: “Cô đã viết gì vậy?” Cô gái trả lời: Tôi vẫn viết như vậy, chỉ là từ ngữ khác đi thôi! Cô gái đã viết: “Hôm nay là một ngày đẹp trời, và tôi không thể thấy nó.”
Bài học rút ra: Nhiều khi chỉ cần chọn lựa ngôn ngữ quảng cáo thích hợp, bạn đã có thể kết nối và thay đổi hành vi của khách hàng.
Câu chuyện số 4: Ngỗng trời sa lưới
Thói quen của đàn ngỗng trời sẽ thường tụ tập ở ve hồ. Mỗi lần nghỉ lại, con ngỗng đầu đàn đều sẽ sắp xếp một con ngỗng canh đêm, khi có người đến hoặc động tĩnh thì lập tức con ngỗng đầu đàn sẽ kêu và báo hiệu cho cả đàn.
Những người thợ săn ở khu vực quanh hồ đã quen thuộc với thói quen của chúng. Cứ đến tối, họ lại cố tình thắp đuốc. Con ngỗng canh đêm trông thấy ngọn lửa liền kêu lên, nhóm thợ săn lại dập tắt ngọn lửa.
Những con ngỗng sợ hãi bay lên, khi không thấy động tĩnh gì nữa, chúng lại quay trở lại chỗ cũ nghỉ ngơi. Nhiều lần như vậy, đàn ngỗng nghĩ rằng con ngỗng canh đêm lừa dối chúng, liền lao vào mổ con ngỗng đó.
Lúc này, người thợ săn cầm ngọn đuốc tiến gần đến chỗ đàn ngỗng. Con ngỗng canh đêm sợ bị cả đàn mổ nên không dám kêu lên. Cứ như vậy, cả đàn ngỗng đang ngủ ngon lành bị nhóm thợ săn tóm gọn.
Bài học rút ra: Dù bạn kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng luôn gặp phải những thử thách khó khăn. Khi các đối thủ bắt đầu thăm dò thì hệ thống cảnh báo của doanh nghiệp được thiết lập và phát huy tác dụng, khi đó doanh nghiệp sẽ sẵn sàng đối diện nhưng nhưng lại không thấy phản ứng nào từ đối thủ. Tuy nhiên, sau nhiều lần thăm dò lặp đi lặp lại, ngay cả chính công ty cũng dần dần buông lỏng cảnh giác, khiến các đối thủ của mình giành chiến thắng.
Câu chuyện số 5: Chuyện bán giày
Chuyện kể rằng có hai hãng sản xuất giày nọ đang cạnh tranh với nhau, họ cử các nhân viên của mình đến Châu Phi để khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh của mình ở đây.
Ở công ty thứ nhất: Anh nhân viên sau khi xem xét kỹ tình hình và báo lại về công ty mình rằng “Người dân ở đây chỉ đi chân đất, nên nếu chúng ta phát triển kinh doanh ở đây sẽ không hiệu quả, không phát triển được”.
Công ty thứ hai: Anh nhân viên công ty còn lại thì báo tin về xưởng sản xuất của mình rằng “Chúng ta cần nhanh chóng phát triển kinh doanh tại đây, nơi này thật lý tưởng để kinh doanh giày bởi người dân ở đây chưa ai có giày dép để mang”.
Cuối cùng, sau khi công ty thứ hai thiết lập toàn bộ kế hoạch phát triển thị trường ở Châu Phi thì gặt hái được rất nhiều thành công.
Bài học rút ra: Mỗi tình huống, trường hợp đều ẩn chứa thuận lợi và khó khăn. Người kinh doanh giỏi là người nhìn thấy thuận lợi trong khó khăn và biết cách tận dụng nó.
Qua những câu chuyện kinh doanh trên, hy vọng có thể giúp đem lại động lực cho bạn để tiếp tục bước đi trên con đường kinh doanh và giúp bạn thư giãn, nhận ra được nhiều bài học kinh doanh hay có giá trị giúp bạn thành công, ngày càng phát triển doanh nghiệp mình. Chúc bạn may mắn và có một ngày tuyệt vời!