Tất cả các hệ thống mang lại sự sống trên hành tinh quý giá của chúng ta đều là một biểu hiện hùng hồn về khả năng phi thường của vũ trụ trong việc tạo ra sự cân bằng hoàn hảo, và sau đó là thực hiện điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống: phát triển mạnh mẽ. Cũng giống như tất thảy mọi sinh vật sống, chúng ta được sinh ra để phát triển, thế nhưng đối với rất nhiều cá thể và đội ngũ trong môi trường làm việc, thực tế việc tồn tại lại quan trọng hơn là phát triển, họ chỉ cố gắng bám lấy công việc và thực hiện những điều mình được yêu cầu nhằm mục đích đối phó.

Liệu đó có phải là điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm được? Chúng ta đã tiến hóa 250.000 thế hệ, chỉ để trở thành những con người thỉnh thoảng lại biến thành kẻ thù của sự phát triển và cả chính sự sống. Chúng ta có thể làm tốt hơn. Bây giờ là lúc để chúng ta bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc về việc vận hành của cả một giống loài và tìm cách để có thể phát triển thành những người đồng đội. Bắt đầu từ môi trường làm việc, vì chúng ta luôn dành phần lớn quỹ thời gian của mình tại đây.

Điều đầu tiên cần bàn đến trước khi tôi đề cập về phương pháp thật sự để xây dựng một nền văn hóa của đội ngũ chiến thắng chính là định nghĩa về thuật ngữ này. Để bắt đầu, trước hết tôi cần phải định nghĩa “văn hóa đội ngũ” là gì. Nói tới văn hóa đội ngũ là nói về một khối thống nhất cùng có niềm tin tích cực hướng đến tầm nhìn chiến thắng chung với những ranh giới rõ ràng và hành vi mang lại tính hiệu quả.

Nền văn hóa chiến thắng thể hiện đội ngũ thật sự tin tưởng và cùng sẻ chia một tầm nhìn mang lại thành công. Một khi tầm nhìn được thiết lập (và sau đó là sở hữu), năng lượng của đội ngũ sẽ phản ánh điều này và khi một thành viên mới gia nhập vào tổ chức,họ sẽ thực sự cảm nhận được nền văn hóa nơi đây.

Kết quả thăm dò dư luận gần đây, cụ thể là vào năm 2013 của Viện Gallup cho thấy khoảng 70% người dân Úc cảm thấy thiếu gắn kết trong công việc. Úc là một trong những nơi có tỷ lệ nhân viên không gắn bó với công việc cao nhất thế giới và đây là điều đáng báo động. Nhất là khi Úc còn được xem là “đất nước may mắn”.

Trong lĩnh vực thể thao và kinh doanh, tôi xem đây là một thách thức to lớn. Phương pháp được đề cập trong cuốn sách này nói về việc tạo ra một nền văn hóa bằng cách thúc đẩy những con người đã hiện diện trong tổ chức. Thông qua việc tìm hiểu và khám phá những cách thức giúp con người luôn gắn bó với đội ngũ, chúng tôi đang tích cực phát triển tập thể, khích lệ tinh thần làm chủ, và xây dựng một môi trường vui vẻ, năng động, xứng đáng để làm việc cho tất cả mọi người. Về vấn đề quản lý, chúng tôi đang khích lệ việc bổ nhiệm, giảm thiểu những yêu cầu trong tuyển dụng và tối ưu hóa hiệu quả trong công việc. Tất cả đều đem lại lợi ích cho vấn đề chi phí tài chính. Tại Úc, chi phí tuyển dụng đang ở mức xấp xỉ gần 1,5 lần lương nhân viên, vì vậy khả năng gắn kết và giữ chân những thành viên quý giá trong đội ngũ có ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của tổ chức. Trong khi đó, dựa theo khảo sát của Aon Hewitt vào năm 2013, chi phí phát sinh khi đầu tư vào những chiến lược gắn kết truyền thông (ví dụ như Chính sách Khen thưởng và ghi nhận) mang lại 100% lợi tức đầu tư. Kết quả này đã nói lên tất cả và thông qua một chương trình mới mẻ mang tính chất cải tiến, những kết quả đó sẽ còn vượt trội hơn nhiều lần. 

Mức độ gắn kết của nhân viên toàn cầu:

  • Nhân viên gắn kết:

Làm việc với đam mê và cảm thấy kết nối sâu sắc với tổ chức nơi họ làm việc. Họ thúc đẩy sự cải tiến và giúp cho tổ chức phát triển.

  • Nhân viên không gắn kết

Về bản chất, họ chỉ hiện diện trong tổ chức về mặt thể xác. Họ chính là những người mộng du giữa ban ngày. Họ bỏ thời gian cho công việc thay vì năng lượng và niềm đam mê.

  • Nhân viên chủ động không gắn kết

Họ không chỉ không hài lòng trong công việc, họ còn cố gắng thể hiện rõ thái độ không hài lòng của mình. Hàng ngày, những nhân viên này phá hoại nỗ lực của những người đồng nghiệp luôn gắn kết với công việc.

Hãy thẳng thắn thừa nhận: Tình trạng thực tế tại nơi làm việc của bạn như thế nào?

Đối với ngành kinh doanh hiện nay, sự gắn kết và lòng trung thành của nhân viên đã trở nên quan trọng đối với sự thành công và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp hơn bao giờ hết. Gần 70% nhân viên không gắn kết sẽ sẵn sàng thay đổi chủ sử dụng lao động ngay lập tức chỉ để tăng 5% lương. Mặt khác, những nhân viên gắn kết cần mức lương tăng lên tối thiểu 20% để cân nhắc thực hiện việc thay đổi tương tự.

Vì vậy, một nền văn hóa chiến thắng phải được khởi đầu thông qua việc tối ưu hóa mức độ gắn kết. Khi điều đó xảy ra, những nhà lãnh đạo sẽ xuất hiện nhiều hơn và bạn sẽ vững bước trên con đường xây dựng một nền văn hóa chiến thắng và năng động.

 

Bài viết liên quan
BESbswy