TỐ CHẤT ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI BÁN HÀNG VƯỢT TRỘI
Bán hàng có thể rèn luyện, có thể học để bán hàng thành công. Tuy nhiên, bán hàng cũng giống như môn bóng đá vậy, ai cũng lừa banh, sút banh được trên đường phố, trên bãi đất trống, nhưng khi vào trận đấu có đối thủ cạnh tranh giành bóng thì lúc đó không phải ai cũng dẫn được bóng hay giữ bóng và sút bóng vào cầu môn.
1. Bán hàng không dễ như mình tưởng.
Bán hàng không đơn giản như làm lao động phổ thông, khi mình làm nghề cho chủ hoặc thậm chí là bán hàng cho chủ thì mình thấy bán hàng không có gì quan trọng, bán được thì bán, không bán được thì làm khuyến mãi, giảm giá bán...
Chỉ khi nào mình cần tồn tại, cần bán sản phẩm, dịch vụ của chính mình kinh doanh thì lúc đó mới thấy việc bán hàng là vô cùng quan trọng và không hề đơn giản tí nào. Hầu hết không ai thích làm nghề bán hàng, người ta học hành ra trường muốn làm kỹ sư, cán bộ, quản lý, văn phòng, kế toán, bác sĩ, luật sư....và họ cảm thấy hãnh diện làm những ngành nghề đó. Cho đến một ngày đẹp trời họ quyết định làm kinh doanh riêng, làm chủ thì cho dù nghề gì họ đang làm cũng phải bán mới có cái để làm, có doanh thu để sống, lúc này ai cũng phải bán hàng.
Nhưng đa số họ khởi nghiệp không thành công không phải vì sản phẩm kém, hay đầu tư không tốt mà họ khởi nghiệp thất bại là vì không bán được sản phẩm, dịch vụ của mình.
2. Bán hàng phải có tố chất để vượt trội.
Ai cũng có thể bán hàng được, không có nghề gì thì cứ ra bán hàng, từ bán ở đường phố, lên vỉa hè đến đỉnh cao. Cứ thấy người ta bán được thì nghĩ mình bán được. Không phải vậy đâu!
Tôi có gần 30 năm làm nghề bán hàng, đúc kết rằng người bán hàng thành công phải có tố chất thật sự thì hãy theo đuổi, còn không phù hợp thì nên tập trung vào các sở trường chuyên môn khác. Tố chất đặc biệt như sau:
>>> Phải giao tiếp tốt, vui vẻ, có một nụ cười cuốn hút, vẻ mặt luôn tự tin, khả năng trình bày diễn đạt ý tưởng và ngôn ngữ tốt.
>>> Năng lượng trong người mạnh mẽ, gặp khách hàng là truyền cho họ một sự nhiệt tình về cảm xúc, sự tin tưởng vào sản phẩm và dịch vụ của mình.
>>> Năng động, luôn ở thế chủ động làm chủ cuộc bán hàng, dẫn dắt câu chuyện bán hàng theo mục tiêu. Chứ không phải là nói nhiều hay lanh chanh là bán hàng tốt đâu nha.
>>> Khả năng phán đoán, đọc được suy nghĩ ý đồ của khách hàng.
>>> Khả năng suy nghĩ nhanh, phản ứng nhanh, xử lý thông tin nhanh để giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định giải pháp nhanh.
>>> Có tính cam kết cao và chấp nhận hy sinh nhiều hơn cho nghề nghiệp.
>>> Cuối cùng là một cái “duyên bán hàng” mà không phải ai cũng có, nhìn mặt là khách hàng đã tin tưởng và yêu mến rồi.
Vì vậy, nếu ai cảm thấy mình chưa có những kỹ năng bán hàng thì có thể học hỏi, rèn luyện để trở thành người bán hàng thành công.