TÓM TẮT 21 NGUYÊN TẮC VÀNG TRONG NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO PHẦN 2
John C.Maxwell là chuyên gia Số 1 Thế Giới về nghệ thuật lãnh đạo doanh nghiệp, truyền thụ những cách thức xây dựng đội ngũ lãnh đạo hiệu quả hướng tới kết quả tối ưu cho doanh nghiệp.
“Lãnh đạo là yếu tố then chốt trong việc duy trì sự thành công của doanh nghiệp/đội nhóm/tổ chức. Để hiệu quả công việc tăng trưởng bền bỉ và thậm chí tăng theo cấp số nhân, điều quan trọng cần làm là bạn phải thiết lập cho được một đội ngũ lãnh đạo vững mạnh”.
Các chương trình và tài liệu của John C.Maxwell được các CEO (giám đốc điều hành/chủ doanh nghiệp) khắp nơi trên thế giới yêu thích bởi sức mạnh của tính đơn giản và bởi các nguyên tắc đã được kiểm chứng là có hiệu quả nhất trong thực tiễn.
21 định luật nghệ thuật lãnh đạo của John C Maxwell sẽ khai mở những phẩm chất lãnh đạo vốn tiềm ẩn trong mỗi người, để chúng được sử dụng và phát triển vì một môi trường chung hòa hợp.
Tóm tắt 21 nguyên tắc vàng trong nghệ thuật lãnh đạo Phần 2
Ở bài viết trước, chúng ta đã được tìm hiểu về 10 nguyên tắc lãnh đạo đầu tiên, xem ngay tóm tắt 21 nguyên tắc vàng trong nghệ thuật lãnh đạo phần 2:
Nguyên tắc số 11: Luật thân tín - Mức độ thành công của nhà lãnh đạo do những người thân tín nhất quyết định.
– The Law of the Inner Circle
Nguyên tắc thứ 11 trong nghệ thuật lãnh đạo chính là luật thân tín. Nhà quản trị Lee Jacocca - giám đốc điều hành tập đoàn Ford và Chrysler đã từng nói: “Thành công không đến từ những gì nhà lãnh đạo biết mà đến từ những người mà nhà lãnh đạo biết và con đường nhà lãnh đạo dành cho họ”.
Người lãnh đạo không nên tốn quá nhiều thời gian để thuyết phục, truyền cảm hứng tới những người chống đối mình hay có thái độ tiêu cực. Thay vào đó, nhà lãnh đạo nên truyền năng lượng của mình cho những người tích cực, chia sẻ niềm tin với mình. Những người này sẽ cộng hưởng và truyền năng lượng ngược lại cho nhà lãnh đạo.
Nguyên tắc số 12: Luật phân quyền - Những nhà lãnh đạo bản lĩnh chia sẻ quyền lực cho người khác.
– The Law of Empowerment
Nhiều nhà lãnh đạo lo sợ khi phân quyền sẽ bị mất vị trí, mất quyền lợi, mất sự tin tưởng, lo sợ người khác hơn mình,...John C Maxwell đã chỉ ra nguyên tắc số 12 trong nghệ thuật lãnh đạo chính là nhà lãnh đạo bản lĩnh phải là người biết chia sẻ quyền lực cho người khác. Không phải nhà lãnh đạo nào cũng tuân thủ theo nguyên tắc này, cả Henry Ford và Henry Ford II đã từng trừ khử những thành viên xuất sắc vì lo sợ cho sự an toàn của bản thân.
Ngược lại, Tổng thống Abraham Lincoln mới là người lãnh đạo thật sự bản lĩnh. Ông đã làm một việc khiến nhiều người ngỡ ngàng là đã lựa chọn chính những đối thủ chính trị làm thành viên nội các của mình. Sự thành công của ông cho thấy tài năng lãnh đạo của tổng thống Hoa Kỳ thứ 16.
Luật phân quyền
Phân quyền giúp cho người được nhận quyền lực có nhiều cơ hội để phát triển khả năng của mình, giúp cho người chia sẻ có thời gian làm những công việc quản lý khác. Người chia sẻ quyền lực cũng lớn mạnh theo người được chia sẻ. Vượt qua rào cản trong suy nghĩ về việc phân quyền đã không phải là đơn giản, công việc của người lãnh đạo là tìm kiếm những người tài giỏi để giúp đỡ mình.
Sự ảnh hưởng bởi những nhà lãnh đạo khác có tác động mạnh đến việc trở thành một người lãnh đạo. Một nghiên cứu về nguyên nhân chính của việc trở thành nhà lãnh đạo cho thấy: Khoảng 10% nhà lãnh đạo có năng lực tự nhiên, 5% được tạo ra từ khủng hoảng, và tới 85% được ảnh hưởng bởi những nhà lãnh đạo khác.
Những nhà lãnh đạo có thể tạo ra nhà lãnh đạo khác có nghĩa là họ đã có khả năng xây dựng môi trường lãnh đạo và tăng tiềm năng phát triển cho tổ chức.
Nguyên tắc số 13 (*): Luật tấm gương - Mọi người làm theo những gì họ thấy.
– The Law of the picture
Nhà lãnh đạo tài năng ngoài việc nhìn xa trông rộng thì cần phải thực tế, họ phải là người biết làm những công việc thực tế và đóng góp cho tổ chức.
Bạn nghĩ sao nếu một giám đốc công ty chỉ rao giảng và thúc giục nhân viên về văn hóa công ty, về tinh thần làm việc tập thể, nhưng bản thân mình lại không làm được và không làm theo những điều này.
Người lãnh đạo nói được nhưng không làm được thì cuối cùng cũng dẫn đến nhân viên mất tin tưởng vào người lãnh đạo, nhân viên không tin theo.
Nguyên tắc số 14: Luật làm cho người khác tin - Mọi người tin vào nhà lãnh đạo trước khi tin vào tầm nhìn của họ.
– The Law of Buy-In
Bạn có tin rằng mọi người đều có xu hướng tin vào người lãnh đạo trước khi tin vào tầm nhìn của họ. Mahatma Gandhi được biết đến là nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của mọi thời đại, người chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu người dân. Chủ trương của ông là đấu tranh bất bạo động.
Lúc đầu, nhiều người Ấn Độ không tin vào chủ trương này, nhưng họ đã tin vào con người ông, sự lãnh đạo của ông và hàng triệu người dân Ấn đã tin theo tầm nhìn chiến lược và tuân thủ kế hoạch của ông.
Mọi người tìm kiếm nhà lãnh đạo, sau đó mới tìm kiếm ước mơ.
Nguyên tắc số 15: Luật chiến thắng - Nhà lãnh đạo tài ba tìm ra con đường cho toàn đội giành chiến thắng.
– The Law of Victory
Nhà lãnh đạo chiến thắng là nhà lãnh đạo không chấp nhận thất bại. Họ làm mọi việc để đưa tổ chức đến chiến thắng.
Thủ tướng Anh Churchill là một nhà lãnh đạo chiến thắng. Để chiến thắng trước kẻ thù phát xít, ông đã làm mọi việc mà ông có thể làm: tập hợp nhân dân, dàn quân, liên kết với Liên Xô, thuyết phục tổng thống Mỹ tham gia cuộc chiến…
Luật chiến thắng
Herb Kelleher, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của hãng hàng không SouthWest, đã lãnh đạo bản thân và South West vượt muôn vàn khó khăn để đi đến thành công. Và ông vẫn tiếp tục chiến đấu cho những thằng lợi kế tiếp của SouthWest.
Ba yếu tố cần thiết để chiến thắng: sự đồng thuận và đồng tâm của toàn bộ các thành viên trong tổ chức; kỹ năng cao của từng thành viên; người lãnh đạo cống hiến cho chiến thắng và phát triển từng người trong tổ chức, phát huy tiềm năng của họ.
Nguyên tắc số 16: Luật quán tính - Quán tính là người bạn tri kỷ của nhà lãnh đạo.
– The Law of Momentum
Quán tính quan trọng như thế nào trong chuyển động thì nó cũng có tác dụng như thế trong lãnh đạo.
Không có quán tính, không có động lực, mọi việc sẽ bị ngừng tại chỗ.
Nhà lãnh đạo phải biết cách tạo ra động lực, tạo ra quán tính cho người khác để vượt qua mọi trở ngại khó khăn.
Nguyên tắc số 17. Luật ưu tiên - Nhà lãnh đạo tập trung vào công việc được ưu tiên.
– The Law of Priorities
Nhà lãnh đạo giỏi là người xác định rõ mức độ ưu tiên của những công việc và họ sẽ không bao giờ tập trung làm những gì ngoài danh sách ưu tiên. Người lãnh đạo áp dụng nguyên lý Pareto và nguyên tắc 3R trong công việc của mình.
Nguyên tắc 3R: Căn cứ vào yêu cầu (Requirement), kết quả (Return) và phần thưởng (Reward) để xác định những điều cần ưu tiên thực hiện.
Nguyên lý Pareto: Nếu chúng ta tập trung vào 20% những điều quan trọng, chúng ta sẽ đạt được 80% hiệu quả của công việc.
Nguyên tắc số 18: Luật hy sinh - Nhà lãnh đạo phải biết hy sinh để tiến tới.
– The Law of Sacrifice
Đôi khi nhà lãnh đạo phải sẵn sàng hi sinh, mất đi một cái gì đó để có thể tiến về phía trước. Trong những hoàn cảnh khó khăn, nhà lãnh đạo doanh nghiệp thậm chí phải hy sinh làm việc 24/24 mà không nhận được tiền lương, thù lao, cũng như sự cảm kích nào. Đó là nguyên tắc hy sinh: lùi 1 bước để tiến 2 bước.
Để đạt được mục tiêu, nhà lãnh đạo phải hy sinh; để giữ vững vị trí, nhà lãnh đạo phải hy sinh nhiều hơn.
Nguyên tắc số 19: Luật thời cơ. Đối với việc lãnh đạo, thời điểm là cực kỳ quan trọng.
– The Law of Timing
Đôi khi thời cơ còn quan trọng hơn cả tài năng. Với những nhà lãnh đạo cũng thế, nhận ra thời cơ, chớp lấy thời cơ, tạo ra thời cơ là vô cùng quan trọng để trở thành một lãnh đạo tài năng.
Luật thời cơ
Minh chứng điển hình cho điều này đó là ông Jimmy Carter - người đàn ông là thống đốc bang Georgia đã trở thành Tổng thống Mỹ thứ 39. Ông đã nhận thấy thời cơ quý báu đến từ sự lo ngại của nước Mỹ về chiến tranh Việt Nam và vụ bê bối Watergate để tiến hành chiến dịch tranh cử và đã chiến thắng.
Hành động đúng vào thời điểm đúng sẽ đem lại kết quả tốt không ngờ cho nhà lãnh đạo.
Nguyên tắc số 20: Luật tăng trưởng bùng nổ - Để tăng trưởng, hãy lãnh đạo cấp dưới. Để bùng nổ, hãy lãnh đạo nhà lãnh đạo.
– The Law of Explosive Growth
Lãnh đạo những nhà lãnh đạo - Những nguyên tắc của C Maxwell có mối liên hệ với nhau khá rõ ràng. Nguyên tắc số 12 - Luật phân quyền chính là tiền đề để tạo ra thêm nhiều nhà lãnh đạo khác.
Muốn có sự tăng trưởng bùng nổ, nhà lãnh đạo tài giỏi phải là thủ lĩnh của những nhà lãnh đạo khác với nhiều người được lãnh đạo bên dưới. Sức mạnh của tổ chức được tăng lên theo cấp số nhân.
Nguyên tắc số 21: Luật di sản - Giá trị bền vững của một nhà lãnh đạo được đo bằng sự kế thừa.
– The Law of Legacy
Ông Roberto C.Goizueta - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Coca-Cola khi mất đi một cách bất ngờ đã để lại một di sản tuyệt vời cho những người kế thừa ông. Chính vì lẽ đó mà đến tận bây giờ thì Coca-Cola vẫn là tập đoàn số 1 về nước uống không cồn.
Những nhà lãnh đạo tài ba luôn để lại di sản, nền móng cơ bản tạo nên hiệu quả và thành công của tổ chức cho những nhà lãnh đạo kế tiếp.
Tổ chức của họ vẫn phát triển trên nền tảng di sản đã xây dựng và để lại sau khi người lãnh đạo ra đi.